thơ Trần Xuân An
THÀNH LUỸ HOÀNG SA – TRƯỜNG SA
Trần Xuân An
Cửa Việt máu đẫm chiến công
thắng tàu Hà Lan cướp bóc... (1)
Hoàng Sa, lệ đầm ốc ngọc (2)
thuyền Thanh bão vỡ, xương khô...
ta tuần canh, nhặt tình cờ
rưng rưng mong chỉ biển cho tự lòng (2)
toạ miếu dân thờ Cá Ông?
rạn tượng Phật thời Chúa Sãi?
mấy trăm năm cần dựng lại
hải đồ Quang Ảnh rộng tầm (3)
khắc bia đá, rải hạt mầm
xanh Hoàng Sa, tránh bẫy ngầm Trường Sa
chỉ mươi ngày đêm khơi xa
Văn Nguyên có thành tên đảo?
mênh mông, tuy chưa thấu đáo
bản đồ Hữu Nhật, thẻ lim
bền trong trang sử im lìm
cùng dân Ngãi – Định không chìm công lao
và cuối đông ấy, quên sao
thuyền Anh mưa mù mắc cạn
lóp ngóp ghe con sam bản
vào Bình Định, từ Hoàng Sa
áo cơm, đỡ tím xương da
chín mươi thuỷ thủ về nhà, ngả Tân (4)
Lý Sơn càng ấm nghĩa ân
khi kẻ chức quyền bị án
sử ghi tội lưu Nguyễn Hoán (3)
sáng dân, Hoàng Sa – Trường Sa!
xưa sau, bút đỏ hồng hoa
đảo cô quạnh, không nhạt nhoà kỉ cương
ước xây luỹ giữa đại dương
chắn bão, lòng người lặng sóng
vững ân uy, khơi nguồn sống...
bỗng lửa Phương Tây thổi tràn
Á – Phi nghẹn trong tan hoang
Hoàng – Trường Sa cũng úa quầng hải đăng! (5)
TXA.
14:30 – 19:27, 31-10 HB11
__________________
(1) Năm 1585. Xem: “Đại Nam thực lục tiền biên” (quyển I), bản dịch VSH., tập 1, Nxb. Giáo Dục tái bản, 2002, tr. 32.
(2) Một thứ ốc sản sinh ngọc ở Hoàng Sa. Xem: Lê Quý Đôn, “Phủ biên tạp lục”, bản dịch Lê Xuân Giáo, tập 1, PQVK. ĐTVH. – SG. xuất bản, 1972, tr.209. ĐNNTC., bản dịch VSH., tập 2, Nxb. Thuận Hóa, 1994, tr. 422: “… Sản nhiều ốc hoa, hải sâm, đồi mồi, vích, cùng những hàng hóa của thuyền người Thanh bị bão, trôi giạt vào đấy”.
(3) Phạm Quang Ảnh (năm 1815), Phạm Văn Nguyên (năm 1835), Phạm Hữu Nhật (năm 1836), Nguyễn Hoán (năm 1845). Có một chi tiết quan trọng, tôi nhận ra và thấy cần nhấn mạnh: Mặc dù về mặt hành chính, Hoàng Sa – Trường Sa (gọi chung là Hoàng Sa) được triều Nguyễn gộp vào tỉnh Quảng Ngãi (hải phận Quảng Ngãi), nhưng triều Nguyễn vẫn ý thức rõ Hoàng Sa – Trường Sa trải dài “không biết mấy ngàn dặm”. Bản tấu của Bộ Công (1836) thể hiện rõ điều đó: “từ xứ ấy trông vào bờ bến, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ, đem về, dâng trình”. Có nghĩa là Hoàng Sa – Trường Sa trải dài qua nhiều hải phận của nhiều tỉnh chứ không riêng hải phận Quảng Ngãi. Xem: ĐNTL.TB. & CB., các tập: 1 (tr.898), 3 (tr.743), 4 (tr.673, 867) & 6 (tr.749), Nxb.GD. tái bản, 2002 & 2007.
(4) Năm 1836. Xem: ĐNTL.CB., sđd., tập 4, tr.1058. Singapore, đúng ra, theo cách gọi hồi đó là Hạ Châu hay Tân Gia Ba.
(5) Hải đăng do kĩ sư Pháp thiết kế xây dựng tại Hoàng Sa và Trường Sa (1938).
XEM: TÁC GIẢ TỰ ĐỌC THƠ: VIẾT KHI TỔ QUỐC BỊ XÚC PHẠM VÀ VỊ XÂM LƯỢC (phần đầu)
XEM: TÁC GIẢ TỰ ĐỌC THƠ: VIẾT KHI TỔ QUỐC BỊ XÚC PHẠM VÀ VỊ XÂM LƯỢC (phần tiếp theo)
XEM: TÁC GIẢ TỰ ĐỌC THƠ: THƠ BẠT VỀ CHÙM THƠ PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC - Mới nhất!
Sau hai bài thơ bạt về loạt thơ này, tác giả vẫn không thể không viết, đọc hai bài thơ khác (sáng tác trong tháng 9, đầu tháng 10 HB11) và đọc lại một bài thơ được viết từ 1994. Trân trọng mời xem thêm:
Mời đọc văn bản hai bài thơ về HAI GỌNG KÌM LỊCH SỬ (thơ, 1994 & 21-9 HB11) - Mới nhất!
Mời đọc văn bản bài thơ "BIỂN ĐẢO CÔNG LÍ" - (06-10 HB11) -- Mới nhất!
--- Liên khúc (5 bài):Tác giả tự đọc thơ: "LẠI NIỀM SỬ VỀ BIỂN ĐẢO" - (14-10 HB11) -- Mới nhất!
Tác giả tự đọc thơ: "ĐỊA CHÍ VÀ LÒNG TA NHẤT THỐNG" - (19-10 HB11) -- Mới nhất!
Tác giả tự đọc thơ: "LỄ HỘI CỦA LÒNG DŨNG CẢM" - (25-10 HB11) -- Mới nhất!
Tác giả tự đọc thơ: "THÀNH LŨY HOÀNG SA - TRƯỜNG SA" - (31-10 HB11) -- Mới nhất!