Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

LỄ HỘI CỦA LÒNG DŨNG CẢM & NGƯ TRƯỜNG TỪ XA XƯA

LỄ HỘI CỦA LÒNG DŨNG CẢM
& NGƯ TRƯỜNG TỪ XA XƯA

thơ Trần Xuân An, 25-10 HB11




LỄ HỘI CỦA LÒNG DŨNG CẢM

Trần Xuân An

biển chờ nắng hẹn tháng ba
dâng hương tạ ơn Đất – Nước
cơm cá trống cờ nến đuốc
kì yên, thế lính khao lề (1)
thề trăm đi, nguyện trăm về
hội đình vượt suất, đảo quê gọi người

thêm buồm, Bình Thuận ra rồi
Cảnh Dương đã vào chèo góp (2)
mấy tỉnh một bờ tụ họp
tuần đội Bắc Hải chung tay
theo đội Hoàng Sa đảo này
sau lễ tế, toả rộng dài Biển Đông

chầu bên linh vị, song song
hai hàng nối vai sóng cuộn
pháp sư giọng trầm quán tưởng
như kẻ sơn tràng, rừng ơi
biển hỡi, ngư dân bao đời
khác chi lính, có ra khơi, không về...

kìa thuyền giấy (chuối làm bè)
hình nhân, thạp, lu... (hàng mã)
thế mạng, không chùn chí cả
thấy chiếu bọc thây, vẫn đi
ra khơi, khát vọng lạ kì
máu dân biển chỉ yên khi dong buồm

không thể sống đời ao chuôm
Hoàng Sa – Trường Sa bất tận!
như tế sống người ra trận
pháp sư vái cùng dân làng
hai đội ưỡn ngực hiên ngang
hẹn ngày về, sau thời gian canh tuần…

tháng ba tháng ba đã gần
tháng tám không xa mãi mãi
thần ra khơi, người về lại
phải đâu phép thuật đời thường
nghi thức như lau tấm gương
sáng trưng đảo Lý, trầm hương ảo huyền.

TXA.
09:53 – 16:15, 25-10 HB11
____________________

(1) Có thể phối kiểm với các thông tin cơ bản, được mô tả khách quan (thiếu vắng chất thơ) bởi nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu, về lễ hội khao lề thế lính ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đã đăng trên nhiều báo chí.

(2) Cảnh Dương thuộc tỉnh Quảng Bình. Thời hạn mỗi chuyến tuần hành trong mỗi năm là khoảng từ 5 đến 6 tháng, từ tháng ba đến tháng tám. Xem: “Đại Nam thực lục tiền biên”, bản dịch VSH., tập 1, Nxb. Giáo Dục (tái bản), 2002, tr. 164...




NGƯ TRƯỜNG TỪ XA XƯA

Trần Xuân An

trước cả xa thẳm Chúa Tiên (1)
Hoàng Sa đã là quê xứ (2)
quốc sơ, mờ dăm nét sử
“tự thời nào” vẫn quốc sơ! (2)
lộng khơi, gần và xa bờ
ngư trường, giạt đến bất ngờ, Trường Sa!

“đông dài tận nam, bao la
nổi chìm biết mấy ngàn dặm”
(2)
mươi đời, sử như trà đậm
tĩnh lòng. Như sóng, nhắc hoài!
ngư trường bát ngát tương lai
thuyền công quản, thuyền sinh nhai, chung đường

sóng chao, bõ nhớ đại dương
suốt đời võng nôi tấm bé
chèo đẩy, buồm che – dáng mẹ
dù con tóc sóng bạc đầu
Bạch Sa tròn một nong cau
Bàn Than đất Quảng, đây màu cơm thơm (3)

bá trạo múa nam hát nồm (4)
thả sức lưới giăng câu ném
ngư trường rộng dần mắt đếm
thuyền con liếc dọc lượn ngang
theo bước vó ngựa dặm ngàn
cảng đầm Thị Nại liền dần Óc Eo

khoang ghe no cá, bớt nghèo
quánh ruốc, óng vàng nước mắm
thêm vích đồi mồi ngừ nhám...
thương cảng thôi thúc ngư trường
hai bàn tay mở mười phương
Hoàng Sa khẽ vẫy là Trường Sa ơi

nằm lòng triều bãi đảo khơi
dẫn đường thuỷ quân vua Nguyễn
thuyền công ghe chài quyến luyến
Cồn Chùa Phật nối Côn Lôn (3)
Hoàng nối Trường, cũng Trường Sơn
bình phong vạn lí, đường mòn Biển Đông.

TXA.
22:30, 28-10 HB11
10:50, 29-10 HB11

(1) Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

(2) Trong “Đại Nam thực lục”, còn gọi là “Hoàng Sa xứ”. Ở những dòng thơ này, có sử dụng cụm từ và câu trong sử, địa chí của Quốc sử quán Triều Nguyễn và của Nguyễn Thông (tác giả “Việt sử cương giám khảo lược”, người Nam Bộ, sống ở tị địa Bình Thuận). Nhân đây, xin khẳng định thêm một lần nữa: Hoàng Sa theo Quốc sử quán là bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa (Paracel) lẫn quần đảo Trường Sa (Vạn lí Trường Sa, Spratly), và chắc hẳn còn gồm cả bãi ngầm ở phía đông nam Paracel, được các nhà hàng hải quốc tế gọi là Macclesfield bank.

(3) Bạch Sa, còn được gọi là núi Phật Tự (đảo Chùa Phật), và Bàn Than là tên các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa (Paracel). Bàn Than (với nghĩa là hòn đá lớn và bãi cát hay bãi đá chỉ nhô lên khi thuỷ triều xuống) cũng là tên một động đá nhỏ ở bãi biển Kỳ Hoà, xã Tam Hải, huyện Núi Thành (Lý Tín), thuộc tỉnh Quảng Nam.

(4) Bá trạo (trăm chèo): tên gọi một điệu hát có vũ đạo của dân chài Nam Trung Bộ.



XEM: TÁC GIẢ TỰ ĐỌC THƠ: VIẾT KHI TỔ QUỐC BỊ XÚC PHẠM VÀ VỊ XÂM LƯỢC (phần đầu)


XEM: TÁC GIẢ TỰ ĐỌC THƠ: VIẾT KHI TỔ QUỐC BỊ XÚC PHẠM VÀ VỊ XÂM LƯỢC (phần tiếp theo)


XEM: TÁC GIẢ TỰ ĐỌC THƠ: THƠ BẠT VỀ CHÙM THƠ PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC - Mới nhất!    


Sau hai bài thơ bạt về loạt thơ này, tác giả vẫn không thể không viết, đọc hai bài thơ khác (sáng tác trong tháng 9, đầu tháng 10 HB11) và đọc lại một bài thơ được viết từ 1994. Trân trọng mời xem thêm:


Mời đọc văn bản hai bài thơ về HAI GỌNG KÌM LỊCH SỬ (thơ, 1994 & 21-9 HB11) - Mới nhất!    


Mời đọc văn bản bài thơ "BIỂN ĐẢO CÔNG LÍ" - (06-10 HB11) -- Mới nhất!    


Tác giả tự đọc thơ: "LẠI NIỀM SỬ VỀ BIỂN ĐẢO" - (14-10 HB11) -- Mới nhất!    


Tác giả tự đọc thơ: "ĐỊA CHÍ VÀ LÒNG TA NHẤT THỐNG" - (19-10 HB11) -- Mới nhất!    


Tác giả tự đọc thơ: "LỄ HỘI CỦA LÒNG DŨNG CẢM" - (25-10 HB11) -- Mới nhất!    


Tác giả tự đọc thơ: "THÀNH LŨY HOÀNG SA - TRƯỜNG SA" - (31-10 HB11) -- Mới nhất!