Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

LẠI NIỀM SỬ VỀ BIỂN ĐẢO & ĐỊA CHÍ VÀ LÒNG TA NHẤT THỐNG (thơ TXA.)

LẠI NIỀM SỬ VỀ BIỂN ĐẢO (thơ Trần Xuân An, 14-10 HB11)
ĐỊA CHÍ VÀ LÒNG TA NHẤT THỐNG (thơ Trần Xuân An, 19-10 HB11)




LẠI NIỀM SỬ VỀ BIỂN ĐẢO
Trần Xuân An

sóng khơi vọng vào rừng sâu
Cửa Tùng nghe A Sao thở
mắt thuyền vời trông Cồn Cỏ
mắt lòng nhìn tận Hoàng Sa
vượt đèo, leo núi Bà Nà
ngó vô đảo Lý buồm nhà nồm đưa

ngàn năm trăm năm ngày xưa
gần – xa, tính mồ hôi đổ
xa – gần, tính bằng hướng gió
như thương nhớ đo yêu đương
chút cơ duyên ngắn lại đường
Trường Sa đâu biệt một phương cách vời!

cửa sông: sông Mã rộng trời
lồng lộng, sông Gianh uốn khúc
mênh mang, Đà Rằng trống thúc
tù và Cà Ty, sương bồng
Đồng Nai trải rộng tấm lòng
Biển Đông ngân cả chiêng cồng Đa Nhim

Hạ Long buồm trôi như im
Kiên Giang neo ghe Phú Quốc
trĩu lúa hai đầu đất nước
đòn gánh Miền Trung hoá chèo
ngư trường vạn lí hiểm nghèo (*)
lưới Hoàng Sa giăng chung lèo Trường Sa

miếu thờ dân đắp thuở xa
mộ gió trăm đời niềm biển
dựng bia chủ quyền, chúa Nguyễn
dặn lính đo đạc Trường Sa (*)
mấy trăm năm lặng phong ba
nhân Tây – Nhật, Tàu ô qua, lại Tàu...

Hoàng Sa, Trường Sa, biển sâu
mấy trăm năm không tranh chấp
Tàu ô, Bắc Kinh cướp đoạt
kéo ta đàm phán, phân chia...
không thể mai đây cắt lìa
máu nhoè trang sử, ai kia reo cười?

TXA.
10:42 – 17:15, 14-10 HB11
________________________

(*) Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục tiền biên” (quyển VIII, Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu, 1711), bản dịch VSH., tập 1, Nxb. Giáo Dục (tái bản), 2002, tr. 126. Và rất nhiều đoạn “Thực lục” khác xuyên suốt thời chúa Nguyễn, vua Nguyễn, gộp Trường Sa vào Hoàng Sa và gọi chung tên với Hoàng Sa (để phân biệt với hai bờ biển Tiểu Trường Sa và Đại Trường Sa – hai bờ cát ở đất liền hà tất phải đo đạc). Xem thêm: “Đại Nam nhất thống chí” (QSQTN., phần tỉnh Quảng Ngãi: “Vạn lí Trường Sa”) & “Phủ biên tạp lục” (Lê Quý Đôn)...v.v... Thông tin quốc tế rộng mở từ thời Pháp xâm chiếm cho đến nay đã tỏ rõ: Nước ta liên tục xác lập chủ quyền ở cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa.


“HOÀNG SA” “VẠN LÍ TRƯỜNG SA” “CÓ ĐẾN HƠN 130 ĐẢO NHỎ” “KÉO DÀI KHÔNG BIẾT HÀNG MẤY NGÀN DẶM”:

Sách “Đại Nam nhất thống chí” (quyển VIII) do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn; bản dịch Phạm Trọng Điềm (Đào Duy Anh hiệu đính) – Viện Sử học, tập 2, Nxb. Thuận Hóa, 1992, tr. 422; ở phần tỉnh Quảng Ngãi, ghi rõ:

“[Quần] đảo HOÀNG SA: Ở phía đông cù lao Ré huyện Bình Sơn. Từ bờ biển Sa Kì đi thuyền ra, thuận gió thì độ ba bốn ngày đêm có thể đến nơi. Có đến hơn 130 đảo nhỏ, cách nhau hoặc một ngày đường, hoặc mấy trống canh. Trong [quần] đảo có bãi cát vàng, liên tiếp KÉO DÀI KHÔNG BIẾT HÀNG MẤY NGÀN DẶM, [có chỗ] bằng phẳng, rộng rãi, tục gọi là Vạn lí TRƯỜNG SA…”…


Bản đồ cổ chỉ là phác họa, vì trong thời kì bấy giờ, kĩ thuật vẽ còn thiếu các dụng cụ công nghệ hiện đại trợ giúp, kể cả các phương tiện thăm dò đáy biển... Không thể đòi hỏi các nhà địa lí học bấy giờ phải như các nhà địa lí học thế kỉ XXI, mặc dù về phương diện mô tả trực quan, họ không phải không khá chính xác (sai số không đáng kể), chẳng hạn như: Hoàng Sa bao gồm Trường Sa; Trường Sa kéo dài hàng mấy ngàn dặm (mỗi dặm ta: 444, m 44), có hơn 130 đảo nhỏ (các đảo cách nhau cả ngày đường hay mấy trống canh...) ...
TXA.




ĐỊA CHÍ VÀ LÒNG TA NHẤT THỐNG

“Đại Nam toàn đồ” mãi tươi (1)
Hoàng Sa – Trường Sa thuở đó
vẽ phác, hơi chênh toạ độ
“một trăm ba mươi đảo hơn”
trải “mấy ngàn dặm” nước – non (2)
đảo – khơi gắn bó sông son – rừng huyền

Tổ quốc vạn đời thiêng liêng
nhất thống lòng thành địa chí
sách quý trong dăm sách quý:
cương vực đất nước huyện làng
rẻo rừng xanh, chấm đảo vàng
ghi trân trọng giữa thế gian soi nhìn

sử càng sáng niềm yêu tin (3)
in từ bao đời mộc bản
dụ lệnh đỏ hoài triện ấn
Lý Sơn lễ hội khao lề
xương máu thành hồn nếp quê
đi vào quốc sử lại về ca dao

Hoàng Sa – Trường Sa, vạt sao
trong nghìn đêm trăng óng ánh
ngực áo vảy rồng lấp lánh
nghìn khi sóng đội vầng dương
ra khơi chuyền đảo, lẽ thường
chèo theo truyền thuyết khởi nguồn Rồng – Tiên

người triều Thanh, cả Minh, Nguyên (4)
giữa Biển Đông đều là khách
chiến tranh đất liền, sông rạch
chưa bởi Hoàng Sa – Trường Sa!
tìm xuyên sử sách gần xa
những triều đó, bút chưa ngoa vơ quàng (5)

toạ độ quần đảo chênh chăng?
ta kéo gần vì thương nhớ!
nhất thống đậm nồng máu đỏ
địa chí trong da thịt mình
ai lay nổi niềm đinh ninh
Hoàng Sa liền một hải trình Trường Sa.

TXA.
09:09 – 16:57, 19-10 HB11
________________________

(1) “Đại Nam nhất thống toàn đồ”.
(2) Trích “Đại Nam nhất thống chí”; xem thêm: “Phủ biên tạp lục” (Lê Quý Đôn).
(3) “Đại Nam thực lục”, tiền biên và chính biên. Đặc biệt, xin xem kĩ: “Đại Nam thực lục tiền biên”, quyển X, đời chúa Nguyễn Phúc Khoát (Võ vương), năm 1754; bản dịch VSH., tập 1, Nxb. Giáo Dục (tái bản), 2002, tr. 164.
(4) Các triều đại ở Trung Hoa.
(5) Theo vài bài khảo cứu trên báo chí, trên mạng vi tính toàn cầu (internnet) của các nhà nghiên cứu, dịch thuật tư liệu sử học.



XEM: TÁC GIẢ TỰ ĐỌC THƠ: VIẾT KHI TỔ QUỐC BỊ XÚC PHẠM VÀ VỊ XÂM LƯỢC (phần đầu)


XEM: TÁC GIẢ TỰ ĐỌC THƠ: VIẾT KHI TỔ QUỐC BỊ XÚC PHẠM VÀ VỊ XÂM LƯỢC (phần tiếp theo)


XEM: TÁC GIẢ TỰ ĐỌC THƠ: THƠ BẠT VỀ CHÙM THƠ PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC - Mới nhất!    


Sau hai bài thơ bạt về loạt thơ này, tác giả vẫn không thể không viết, đọc hai bài thơ khác (sáng tác trong tháng 9, đầu tháng 10 HB11) và đọc lại một bài thơ được viết từ 1994. Trân trọng mời xem thêm:


Mời đọc văn bản hai bài thơ về HAI GỌNG KÌM LỊCH SỬ (thơ, 1994 & 21-9 HB11) - Mới nhất!    


Mời đọc văn bản bài thơ "BIỂN ĐẢO CÔNG LÍ" - (06-10 HB11) -- Mới nhất!    


Tác giả tự đọc thơ: "LẠI NIỀM SỬ VỀ BIỂN ĐẢO" - (14-10 HB11) -- Mới nhất!    


Tác giả tự đọc thơ: "ĐỊA CHÍ VÀ LÒNG TA NHẤT THỐNG" - (19-10 HB11) -- Mới nhất!    


Tác giả tự đọc thơ: "LỄ HỘI CỦA LÒNG DŨNG CẢM" - (25-10 HB11) -- Mới nhất!